Những ngày gần đây, tại các tuyến bệnh viện và phòng khám Nhi số trẻ đến thăm khám và điều trị các bệnh Hô hấp đang tăng mạnh. Đáng lo ngại, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh hô hấp là bệnh lý phổ biến khiến khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hằng năm có khoảng 4-5 triệu trẻ em tử vong do những căn bệnh từ đường hô hấp, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi, nhất là ở những nước đang phát triển. Tại Việt Nam, bệnh về đường hô hấp chiếm 23-38% ở trẻ em.
Tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên như Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Pleiku,… số bệnh nhi thăm khám và điều trị tăng quá tải. Chỉ riêng trong 3 ngày có khoảng 1.000 trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa mỗi ngày, tăng gấp đôi so với thời điểm những tháng đầu năm và tăng khoảng 30% so với tháng 4; số trẻ phải nhập viện điều trị nội trú cũng tăng khoảng 10%.
Năm nay, vào giữa hè thời tiết chuyển mưa giông và se lạnh ở miền Bắc, nắng nóng ở miền Nam, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, môi trường ô nhiễm, cộng với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là những yếu tố chính khiến trẻ em dễ mắc các bệnh về hô hấp như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi, ho gà, bạch hầu…
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội: “Do sự thay đổi của thời tiết cộng thêm việc lây nhiễm từ các ca bệnh nên lượng bệnh nhi nhập viện điều trị các bệnh hô hấp như cúm mùa, viêm phổi do phế cầu khuẩn, viêm phổi do virus hợp bào hô hấp (RSV), viêm phế quản, hen suyễn, ho gà,… đang có xu hướng gia tăng”.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho hay, nhiều triệu chứng của bệnh hô hấp như ho, sốt, sổ mũi, kèm theo thở khò khè… gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt, học tập và sức khỏe tổng thể của trẻ.
Triệu chứng dễ nhận thấy khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp là ho, ho khan hoặc ho có đờm. Một triệu chứng khác rất quan trọng là sốt, tuy nhiên không phải trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp nào cũng sốt, có trẻ bị viêm phổi nhưng không sốt. Các triệu chứng khác cần lưu tâm là hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, ngứa mũi, khò khè, khó thở…
Các dấu hiệu của viêm đường hô hấp trên thường kéo dài 5-7 ngày là khỏi. Song nếu không được chăm sóc, theo dõi cũng như điều trị đúng và kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng, từ viêm đường hô hấp trên thành viêm đường hô hấp dưới và kéo dài, gây những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Tiêm vắc xin Hô hấp – Củng cố hệ miễn dịch sớm cho trẻ
“Ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn non nớt, chức năng hô hấp chưa hoàn thiện nên khả năng đẩy virus ra khỏi cơ thể yếu khiến trẻ dễ mắc các bệnh ở đường hô hấp như cúm, viêm phổi, ho gà… Nếu được tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp cơ thể sẽ tăng thêm sức đề kháng với virus, vi khuẩn, loại trừ những nhầm lẫn về triệu chứng tương tự như Covid-19, tránh khó khăn khi chẩn đoán, bảo vệ phổi, tránh suy hô hấp do đồng nhiễm nhiều bệnh cùng một lúc…”, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC giải thích.
Cũng theo BS.CKI Bạch Thị Chính, có đến gần 50% người khỏe mạnh mang vi khuẩn phế cầu trong mũi họng, chỉ chờ gây bệnh ngay khi có điều kiện thuận lợi. Phế cầu khuẩn có thể lây truyền khi hắt hơi, ho, đặc biệt dễ lây lan trong môi trường chật hẹp. Tỷ lệ mắc phế cầu khuẩn tập trung nhiều ở nhóm dưới 5 tuổi và đặc biệt cao với nhóm trên 85 tuổi. Theo số liệu của các tổ chức về sức khỏe cộng đồng quốc tế, năm 2018, có hơn 800.000 trẻ em tử vong do viêm phổi.
Viêm phổi do phế cầu thường diễn tiến nhanh, gây ra các biến chứng như tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng não, viêm khớp nhiễm khuẩn; để lại nhiều di chứng như mù, điếc, liệt và chậm phát triển tâm thần kinh… Phế cầu khuẩn còn đề kháng mạnh với kháng sinh, khiến quá trình điều trị kéo dài và tốn kém.
Ngoài phế cầu, cúm là loại virus thường xuyên biến chủng và tính kháng nguyên và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vắc xin cúm vì thế được khuyến cáo tiêm hằng năm, đặc biệt từ trẻ trên 6 tháng tuổi. Nhiễm cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, hen phế quản kịch phát, viêm xoang, viêm tai giữa,…
BS.CKI Bạch Thị Chính khuyến cáo trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi cần khẩn cấp bảo vệ đường hô hấp bằng cách giữ ấm, tránh ra khỏi nhà vào thời điểm sáng sớm hay tối lạnh, đồng thời nhanh chóng tiêm đầy đủ các loại vắc xin bảo vệ hệ hô hấp như:
- Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim/Infanrix Hexa phòng 6 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi & viêm màng não do vi khuẩn Hib hoặc vắc xin 5 trong 1 Pentaxim/ Infanrix IPV+Hib phòng 5 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm phổi & viêm màng não do vi khuẩn Hib.
- Vắc xin Prevenar 13 – Phế cầu 13 (Bỉ)/ Vắc xin Synflorix (Bỉ): phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu),… do phế cầu khuẩn.
- Vắc xin cúm mùa: Vắc xin cúm Tứ giá thế hệ mới Vaxigrip (Pháp); Influvac Tetra (Hà Lan), Ivacflu-S (Việt Nam), GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc). Đây là những loại vắc xin cúm đã được chứng minh mang lại hiệu quả phòng bệnh cộng hưởng, giúp giảm tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng, nhập viện và ít chăm sóc khẩn cấp (ICU) do Covid-19.
- Vắc xin Boostrix (Bỉ)/ Adacel (Canada) phòng Ho gà – Bạch hầu – Uốn ván giúp bảo vệ hô hấp hiệu quả.
Vắc xin Menactra (Mỹ) phòng biến chứng viêm phổi do não mô cầu khuẩn tuýp A,C,Y,W-135. Vắc xin VA-Mengoc-BC phòng biến chứng viêm phổi do não mô cầu khuẩn tuýp B,C.
“Bệnh hô hấp đang được xem là bệnh thời đại. Ai cũng có thể mắc bệnh và để lại các biến chứng nguy hiểm. Trẻ cần tiêm vắc xin đầy đủ đúng lịch để tránh tình trạng lây nhiễm giữa trẻ này và trẻ khác. Đặc biệt, những trường hợp sốt cao hoặc mắc một bệnh lý nào đó dẫn đến không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm đúng lịch, thì sau khi hết sốt hoặc khỏi bệnh bé cần được tiêm chủng bổ sung ngay để củng cố miễn dịch.”, BS Chính cho hay.
Hiện Phòng Tiêm Chủng Á Châu đang có sẵn các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được khuyến cáo cần tiêm cho trẻ em và người lớn như: cúm mùa, viêm phổi do phế cầu khuẩn, viêm màng não, thủy đậu, ho gà – bạch hầu – uốn ván, sởi – quai bị – rubella… Trong từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ khám tư vấn miễn phí trước tiêm, lựa chọn loại vắc xin phù hợp.