1. Đại cương
Viêm gan xảy ra khi các tế bào mô gan bị viêm và tổn thương, làm suy giảm chức năng gan. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm gan như: virus, thuốc, rượu bia, nấm, gan nhiễm mỡ, bệnh lý di truyền hoặc thói quen sống không lành mạnh… Nếu không phát hiện và quản lý kịp thời, viêm gan có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, ung thư gan, thậm chí tử vong.
Viêm gan virut là bệnh truyền nhiễm thường gặp gây viêm, tổn thương tại tế bào gan.
Hiện nay có nhiều loại virut gây bệnh viêm gan đã xác định như A,B,C,D,E và virut viêm gan hay gặp là loại A,B,C.
2. Nguyên nhân
- Virut viêm gan A lây theo đường tiêu hóa (do ăn uống, bài tiết ra phân,…);
- Virut viêm gan B có thể lây qua 3 đường: Đường máu (do tiêm chích, truyền máu,…), đường tình dục hoặc từ mẹ sang con;
- Virut viêm gan C chủ yếu lây theo đường: truyền máu, tiêm chích, lọc thận.
3. Triệu chứng:
- Mệt mỏi, chán ăn, ăn đầy bụng, sợ các thức ăn có mỡ;
- Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu (vàng);
- Đau tức vùng gan;
4. Cận lâm sàng
- Xét nghiệm:
+ Tăng men gan > 3 đến 5 lần so với bình thường;
+ Anti HAVIgM Dương tính (+);
+ HbsAg (+);
+ HCV (+);
+ Siêu âm gan lớn.
-
Chẩn đoán
5.1. Chẩn đoán viêm gan vi rút cấp
- Tiền sử: người bệnh có truyền máu hay các chế phẩm của máu, tiêm chích, quan hệ tình đục không an toàn trong khoảng 4-24 tuần trước khởi bệnh
- Lâm sàng
+ Đa số không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng,
+ Trong thể điển hình, có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt (khi chưa vàng da), mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu, đau tức vùng gan
+ Viên gan virut cấp có thể diễn tiến nặng sang suy gan cấp dẫn đến bệnh não gan, tỷ lệ tử vong cao
- Cận lâm sàng:
+ AST, ALT tăng, thường trên 5 lần giới hạn trên của mức bình thường (ULN ULN: 35 U/L đối với nam 25, U/L đối với nữ).
+ Bilirubin có thể tăng
+ Anti-HBc IgM dương tính. HBsAg dương tính (hoặc âm tính trong giai đoạn cửa sổ).
5.2. Chẩn đoán phân biệt
- Viêm gan do các nguyên nhân khác: rượu, nhiễm độc (do thuốc, hơn chất…), tự miễn, bệnh Wilson...
- Đợt bùng phát của viêm gan vi rút B mạn.
- Một số bệnh có biểu hiện vàng da
+ Các bệnh nhiễm khuẩn: Bệnh nhiễm Leptospira, sốt rét…
+ Tắc mật sau gan: u đầu tụy, u đường mật, sỏi đường mật…
6. Biến chứng:
Gan là một cơ quan quan trọng trong cơ thể, có chức năng tạo ra mật để tiêu hóa thức ăn và lưu trữ đường dùng làm năng lượng cho cơ thể; lọc máu và chất thải khỏi cơ thể, chống lại nhiễm trùng. Do đó, nếu không được điều trị kịp thời, viêm gan dẫn đến nhiều biến chứng như bệnh gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan… ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều chức năng của cơ thể.
Đặc biệt, hai trong những bệnh cảnh nguy hiểm nhất của viêm gan chính là xơ gan và ung thư gan gây nên các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống cũng như tăng tỉ lệ tử vong như:
- Cổ trướng: Tích tụ dịch trong khoang bụng
- Vỡ tĩnh mạch thực quản giãn gây ói ra máu và đi cầu ra máu, tăng nguy cơ tử vong
- Nhiễm trùng dịch báng: nhiễm trùng dịch trong khoang màng bụng thường gây ra triệu chứng như đau bụng, sốt, lơ mơ hôn mê thậm chí tử vong
- Bệnh não gan: Gây mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê và tử vong
- Tổn thương thận cấp: tăng nguy cơ bệnh não gan và làm tăng tỉ lệ tử vong
7. Điều trị bệnh:
- Hơn 95% người lớn bị viêm gan vi rút cấp sẽ hồi phục một cách tự nhiên mà không cần điều trị thuốc kháng vi rút. Điều trị viêm gan vi rút chủ yếu là điều trị hỗ trợ.
7.1. Điều trị hỗ trợ
- Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng hoặc gắng sức trong thời kỳ có triệu chứng lâm sàng.
- Chế độ ăn: giảm bớt chất béo, kiêng rượu bia. Chỉ nuôi dưỡng tạm thời bằng đường tĩnh mạch khi bị nôn nhiều hoặc không ăn uống được.
- Tránh sử dụng các thuốc chuyển hóa qua gan.
- Điều trị hồi sức nội khoa tích cực các trường hợp diễn tiến nặng.
+ Đảm bảo duy trì hô hấp, tuần hoàn ổn định.
+ Vitamin K₁: 10 mg/ngày tiêm bắp hoặc pha loãng tiêm mạch chậm trong 3 ngày khi tỷ lệ prothrombin giảm < 60%.
+ Điều chỉnh các rối loạn đông máu, chống phù não, lọc huyết tương... dựa trên việc đánh giá các bất thường cụ thể trên lâm sàng.
7.2. Chỉ định dùng thuốc kháng vi rút
Entecavir hoặc tenofovir (TDF: tenofovir disoproxil fumarate, TAF: tenofovir alafenamide) cho đến khi mất HBsAg trong các trường hợp sau:
- VGVR thể tối cấp.
- VGVR cấp kèm theo ít nhất 2 tiêu chí sau:
+ Bệnh não gan.
+ Bilirubin toàn phần huyết thanh > 3 mg/dL hay > 51 µmol/L (hoặc bilirubin trực tiếp > 1,5 mg/dL hay > 25 µmol/L).
+ INR > 1,5
- Bệnh kéo dài > 4 tuần với bilirubin có xu hướng tăng.
8. Chăm sóc điều dưỡng
*Làm hết tình trạng vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng
- Theo dõi mức độ vàng da vàng mắt hàng ngày, giảm đi hay vàng đậm lên.
- Theo dõi màu sắc nước tiểu và đo lượng nước tiểu hàng ngày.
- Theo dõi gan to hay teo nhỏ? Bệnh nhân đau vùng gan âm ỉ hay đau quặn từng cơn
- Dùng thuốc Glucoza uống hay truyền, lợi mật, dùng thuốc bảo vệ chống sự huỷ hoại tế bào gan
- Theo dõi và làm xét nghiệm Bilirubin, Transaminaza, sắc tố mật
* Làm giảm mệt mỏi cho bệnh nhân:
- Đánh giá mức độ mệt mỏi của bệnh nhân, trường hợp nặng bệnh nhân mệt mỏi nhiều
- Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi cả thể xác lẫn tinh thần. Tuỳ mức độ bệnh nhân năm nghỉ tại giường hay đi lại nhẹ nhàng trong phòng hay nằm nghỉ tuyệt đối.
- Động viên bệnh nhân yên tâm điều trị, tránh lo lắng, bệnh nhân ngủ được cũng làm giảm một phần mệt mỏi cho bệnh nhân
*Tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân:
- Khi bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa: Nôn, ỉa chảy hay táo bón, chán ăn,.. đều làm cho tình trạng hấp thu dinh dưỡng kém đi, cho nên người điều dưỡng cần quan tâm theo dõi sát, động viên cho bệnh nhân ăn, nên ăn làm nhiều bữa, chế biến thức ăn hợp khẩu vị, ăn nhiều đạm và hoa quả, không nên ăn thức ăn kích thích, rượu bia,…
- Khi tình trạng bệnh nhân nặng, chán ăn nhiều thì nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
* Giảm nguy co biến chứng:
- Để giảm nguy cơ biến chứng cho bệnh nhân, người điều dưỡng cần theo dõi sát tình trạng diễn biến của bệnh.
- Bệnh nhân viêm gan giai đoạn cấp cần điều trị tích cực, phát hiện sớm và kịp thời khi bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tri giác, dấu hiệu tiền hôn mê gan như lú lẫn, ngủ gà, hành vi bất thường.
- Theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn. Những trường hợp diễn biến nặng, bệnh nhân sốt cao lên, mạch nhanh, huyết áp hạ, suy tuần hoàn, hơi thở mùi axeton trong viêm gan tối cấp.
- Phát hiện kịp thời dấu hiệu phù, tuần hoàn bàng hệ, cổ chướng.
- Để tránh tái phát cho bệnh nhân, không nên dùng Coticoid trong khi bệnh nhân ở giai đoạn cấp.
- Không nên dùng thuốc độc cho gan: kháng sinh, an thần, tránh thai.
- Phụ nữ có thai mắc bệnh viêm gan virus cần phát hiện sớm và điều trị sớm để tránh sảy thai, xuất huyết khi đẻ.
-
Tư vấn giáo dục sức khỏe
9.1. Chăm sóc cơ bản
+ Tinh thần: Động viên bệnh nhân yên tâm điều trị, tránh lo lắng, bệnh nhân ngủ được cũng làm giảm một phần mệt mỏi cho bệnh nhân
+ Vệ sinh:
- Khi mắc viêm gan A, người bệnh hãy tuân thủ rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước bữa ăn. Sử dụng riêng nhà vệ sinh (nếu không có, hãy làm sạch chỗ ngồi bằng thuốc tẩy sau mỗi lần sử dụng). Giặt khăn trải giường, khăn tắm và đồ lót riêng với các vật dụng khác trong nước nóng có pha xà phòng.
- Với viêm gan B, C, hoặc D, nên theo chỉ dẫn của bác sĩ, cho đến khi xét nghiệm kháng nguyên-kháng thể cho kết quả âm tính. Duy trì tuân thủ rửa tay sau khi đi tiểu và đại tiện. Không dùng chung vật dụng cá nhân (bàn chải đánh răng, dao cạo râu, khăn mặt). Sử dụng dụng cụ ăn uống dùng một lần hoặc rửa dụng cụ riêng trong nước nóng có xà phòng. Không dùng chung thức ăn hoặc dụng cụ ăn uống. Không dùng chung kim tiêm và vứt bỏ đúng cách sau khi sử dụng.
+ Vận động-Phục hồi chức năng: Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi cả thể xác lẫn tinh thần. Tuỳ mức độ bệnh nhân năm nghỉ tại giường hay đi lại nhẹ nhàng trong phòng hay nằm nghỉ tuyệt đối.
+ Chế độ dinh dưỡng:
- Khi bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa: Nôn, ỉa chảy hay táo bón, chán ăn,.. đều làm cho tình trạng hấp thu dinh dưỡng kém đi, cho nên người điều dưỡng cần quan tâm theo dõi sát, động viên cho bệnh nhân ăn, nên ăn làm nhiều bữa, chế biến thức ăn hợp khẩu vị, ăn nhiều đạm và hoa quả, không nên ăn thức ăn kích thích, rượu bia,…
- Khi tình trạng bệnh nhân nặng, chán ăn nhiều thì nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
- Người bệnh cần tránh uống rượu trong vòng 6 tháng đến 1 năm, tránh các loại thuốc và hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc.
9.2. Phòng bệnh
Phòng ngừa viêm gan bao gồm tránh phơi nhiễm với virus, dùng kháng huyết thanh khi có nguy cơ phơi nhiễm và chích vaccine.
- Tránh phơi nhiễm với virus.
- Dùng huyết thanh khi có nguy cơ phơi nhiễm: Tiêm kháng huyết thanh được gọi là miễn dịch thụ động vì người tiêm được nhận kháng thể từ người đã nhiễm virus viêm gan.
- Tiêm vaccine: Tiêm vaccine được gọi lại miễn dịch chủ động vì virus đã chết hoặc thành phần không gây nhiễm của virus được đưa vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể.
Tránh phơi nhiễm với virus
Phòng ngừa viêm gan siêu vi cho kết quả tốt hơn là điều trị khi đã mắc bệnh. Cần tránh tiếp xúc với một số dịch, chất có thể chứa virus như:
- Máu của người khác: kim tiêm bẩn
- Tinh dịch: quan hệ tình dục không an toàn, tiếp xúc với tinh dịch của người nhiễm bệnh
- Các chất tiết khác: phân, dịch nôn ói,...
Sử dụng globulins miễn dịch
Globulin miễn dịch huyết thanh (ISG)
- Là huyết thanh người chứa kháng thể kháng virus viêm gan A.
- Được dùng để phòng bệnh ở người đã phơi nhiễm với HAV, có tác dụng ngay sau khi vào cơ thể và có tác dụng bảo vệ trong vài tháng.
- ISG thường được dùng cho người du lịch tới vùng dịch tễ HAV hoặc có tiếp xúc gần gũi với người nhiễm viêm gan siêu vi A.
- Tương đối an toàn, ít tác dụng phụ.
Globulin đặc hiệu cho HBV hay HBIG
- Là huyết thanh người chứa kháng thể kháng HBV.
- HBIG được làm từ huyết tương có nồng độ cao kháng thể HBV.
- Nếu được dùng trong vòng 10 ngày sau khi phơi nhiễm virus, HBIG hầu như luôn thành công trong phòng ngừa bệnh. Ngay cả khi trễ hơn thời gian này, HBIG vẫn có thể làm nhẹ tình trạng nhiễm HBV.
- Tác dụng bảo vệ kéo dài 3 tuần.
- HBIG cũng được tiêm cho trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HBV.
- Ngoài ra, HBIG được dùng cho người phơi nhiễm HBV qua quan hệ tình dục không an toàn hoặc nhân viên y tế bị tai nạn kim đâm nhiễm máu của người bệnh.
Tiêm Vaccine viêm gan
Tiêm vắc xin gan A
Vắc xin viêm gan A chứa virus viêm gan A không hoạt động (đã chết). Liều được khuyến cáo ở trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn là 2 liều (mũi)vaccine. Sau liều thứ nhất, kháng thể bảo vệ phát triển ở 70% người được tiêm trong 2 tuần, và gần 100% ở tuần thứ 4. Sau khi nhận được 2 liều, miễn dịch chống lại nhiễm HAV kéo dài nhiều năm.
Tiêm vắc xin gan B
Vaccine viêm gan B, bao gồm kháng nguyên vô hại của HBV, có tác dụng kích thích hệ miễn dịch cơ thể tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên bề mặt của HBV.
Các vaccine hiện nay được tổng hợp bằng kĩ thuật tái tổ hợp DNA, chỉ chứa phần kháng nguyên bề mặt của virus có tác dụng mạnh nhất trong kích thích cơ thể tạo kháng thể. Chúng không chứa các thành phần khác ngoài kháng nguyên bề mặt nên không thể gây nhiễm HBV.
Vaccine nên được tiêm 3 lần, liều thứ 2 cách liều đầu 1-2 tháng, liều thứ 3 cách liều đầu 4-6 tháng. Để đảm bảo tác dụng tốt nhất, vaccine nên được tiêm ở cơ bắp vai.
Vaccine viêm gan B hiệu quả 95% ở người lớn khỏe mạnh. 5% người được tiêm còn lại không đạt được nồng độ kháng thể hiệu quả để ngừa HBV sau 3 liều vaccine. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, người đang chạy thận nhân tạo có nhiều khả năng không đáp ứng với vaccine hơn.
Tất cả phụ nữ có thai nên được làm xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng kháng nguyên bề mặt của HBV. Người có kết quả xét nghiệm này dương tính có nguy cơ truyền virus cho con của họ trong lúc sinh, vậy nên trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HBV nên được tiêm HBIG và vaccine HBV ngay sau sinh. Lý do tiêm cả hai liều này là vì tuy vaccine HBV có hiệu quả lâu dài và chủ động, tác dụng của nó chỉ có sau vài tuần đến hàng tháng. Cho đến lúc đó, kháng thể thụ động tác dụng ngắn của HBIG sẽ bảo vệ trẻ.
Viêm gan C và D
Hiện nay chưa có vaccine ngừa viêm gan C. Phát triển loại vaccine này gặp nhiều khó khăn vì có đến 6 thể (kiểu gene) khác nhau của HCV. Tương tự, chưa có vaccine ngừa viêm gan D. Tuy nhiên, vaccine HBV có thể giúp ngừa viêm gan D vì virus viêm gan D dựa vào HBV để nhân lên trong cơ thể.
Tài liệu tham khảo
- https://tamanhhospital.vn/benh-viem-gan/
- https://vncdc.gov.vn/benh-viem-gan-vi-rut-nd14519.html
- Quyết định số 3310/QĐ-BYT, ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viên gan vi rút B.
- https://vientimtphcm.vn/luu-tru/4346
- https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/cac-bien-phap-hieu-qua-phong-ngua-viem-gan-sieu-vi-vi