CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH NHIỄM HIV/AIDS
Đại cương
Tình hình nhiễm HIV/AIDS trên thế giới và Việt Nam
Trên thế giới
- Quá trình phát hiện:
Tháng 6 năm 1981, tại Mỹ đã phát hiện 5 thanh niên đồng tính luyến ái bị viêm phổi nặng do Pneumocystis Carini ở Losangeles. Trước đó tháng 3 năm 1981, nhiều trường hợp sacom Kaposi bị chết được báo cáo tại Newyork. Đặc biệt ở đây là những bệnh nhân này đều thấy suy giảm nặng về hệ thống miễn dịch, trước khi mắc bệnh họ đều là những người khoẻ mạnh với hệ thống miễn dịch phát triển bình thường. Lúc này chưa biết nguyên nhân nhưng dựa vào yếu tố địa lý người ta cho rằng đó là bệnh truyền nhiễm.
Năm 1982, nhiều nơi công bố căn bệnh tương tự thấy trên bệnh nhân ưa chảy máu, bệnh nhân truyền máu nhiều lần, người nghiện trích ma tuý, mẹ cho con,… từ đó nghi do virus (giống virus viêm gan về đường lây).
Tháng 5 năm 1983 bắt đầu phát hiện virus.
Năm 1986, hội nghị định danh quốc tế đã thống nhất gọi virus này là HIV (Human Immunodeficiency Virus): Gây hội chứng suy giảm miễn dịch ở người (ADIS: Acquied Immunodeficiency Syndrom).
- Quá trình phát triển:
Dịch bắt đầu xảy ra ở các nước công nghiệp phát triển: Bắc Mỹ, Úc và Tây âu, Châu á dịch đến muộn nhưng phát triển rất nhanh. Xu hướng dịch sẽ xảy ra ở các nước phát triển. Theo ước tính của WHO, khi một người được chẩn đoán là nhiễm HIV thì thực tế có khoảng 10 đến 100 người bị nhiễm virrus này.
Ở Việt Nam
- Người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tháng 12 năm 1990 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở nước ta, phương thức lây truyền chủ yếu là tiêm trích ma tuý (chiếm 65% đến 70%) và tình dục (chiếm 18,2%, chủ yếu đường mại dâm). Lây truyền theo đường tình dục tăng thì tỷ lệ phụ nữ và trẻ em nhiễm HIV tăng.
Định nghĩa AIDS
AIDS là do tác động của virus gây suy giảm miễn dịch (HIV) làm cho cơ thể mất sức đề kháng với các vi sinh gây vật bệnh và những vi sinh vật bình thường vẫn không gây bệnh này trở thành bệnh, tạo ra nhiễm trùng cơ hội cũng như làm cho ung thư dễ phát triển và có những tổn thương do chính HIV gây ra.
Dịch tễ:
- Nguồn lây: Người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.
- Đường lây: Nghiên cứu về dịch tễ học thấy: Máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo đóng vai trò quan trọng trong việc lây truyền HIV. Từ đó hình thành 3 phương thức lây truyền:
+ Theo đường tình dục
+ Theo đường máu.
Truyền máu và các sản phẩm của máu có HIV: Nguy cơ lây nhiễm trên 90%. Khi xét nghiệm máu HIV âm tính khả năng lây nhiễm vẫn có thể xảy ra (giai đoạn cửa số 6 đến 12 tuần đầu).
Khi bơm tiêm bị nhiễm HIV: Xảy ra cao ở người trích ma tuý theo đường tĩnh mạch. Các dụng cụ nhiễm HIV: nhổ răng, thủ thuật,…
+ Từ mẹ sang con: Sự lây nhiễm xảy ra trong lúc mang thai, trong cuộc đẻ và một thời gian ngắn sau đẻ (qua bú sữa mẹ).
- Khối cảm thụ: Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm HIV.
Nguyên nhân/Cơ chế bệnh sinh
- HIV là căn nguyên của AIDS, HIV thuộc họ Retroviridae nhóm Lentivirus gây ra nhiễm trùng chậm, ủ bệnh kéo dài từ 5 năm đến 10 năm.
- Sức đề kháng: Trong dung dịch virus bị phá huỷ ở 560C/20’.
+ Dạng động bị bất hoạt tính ở 680C sau 2 giờ.
+ Diệt virus bằng cách: Đun sôi 20’ đến 30’, hấp sấy, sấy khô hoặc:
Hoá chất: Nước javen 0,1%
Cloramin 2%,….cồn Etanol….
- HIV có đặc điểm ái tính chủ yếu với các tế bào miễn dịch làm hệ thống miễn dịch của cơ thể suy sụp tạo điều kiện cho các nhiễm trùng cơ hội và ung thư dẫn đến tử vong.
Triệu chứng lâm sàng: 3 giai đoạn
Giai đoạn nhiễm HIV cấp
Khoảng 70% trường hợp sau nhiễm HIV từ 2 đến 8 tuần có triệu chứng:
+ Sốt, vã mồ hôi, đau bụng, mệt mỏi tăng dần, đau cơ khớp, nhức đầu.
+ Sưng hạch cổ, nách, lách to.
+ Rối loạn tiêu hoá.
+ Phát ban dạng sởi, sẩn ngứa trên da.
*Về sinh học:
+ Tăng bạch cầu Lympho
+ Phát hiện kháng nguyên P24 trong máu.
* Sau biểu hiện sơ nhiễm có hoặc không có triệu chứng khoảng 6 đến 12 tuần, xuất hiện kháng thể đặc hiệu tức là huyết thanh chẩn đoán HIV dương tính.
Giai đoạn nhiễm trùng không triệu chứng: Kéo dài từ 2 đến 8 năm hoặc lâu hơn, xét nghiệm HIV dương tính
Giai đoạn có biểu hiện lâm sàng
Giai đoạn lâm sàng 1: Bệnh hạch dai dẳng toàn thân, thời gian trên 3 tháng: hạch sưng to đường kính trên 1cm. Xuất hiện ít nhất hai vùng nửa ngoài 2 bẹn. Sốt, sút cân, ra mồ hôi, ỉa chảy (khoảng 50% trường hợp).
Giai đoạn lâm sàng 2: Thời kỳ đầu (nhẹ).
- Sút cân dưới 10% trọng lượng cơ thể
- Xuất hiện các biểu hiện ngoài da và niêm mạc: Viêm da tuyến bã, ngứa, nấm vùng, chốc mép, loét miệng tái diễn.
- Zona trong vòng 5 năm cuối.
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên tái diễn.
Giai đoạn lâm sàng 3: Thời kỳ trung gian (vừa phải)
- Sút cân dưới 10% trọng lượng cơ thể
- Ỉa chảy kéo dài không rõ nguyên nhân trên 1 tháng.
- Nhiễm Cadida ở miệng
- Lao phổi trong năm cuối
- Các nhiễm khuẩn nặng xuất hiện (viêm phổi, viêm cơ mủ,..)
Giai đoạn lâm sàng 4: Thời kỳ muộn (nặng)
- Sốt
- Sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể
- Ỉa chảy không rõ nguyên nhân trên 1 tháng
- Các biểu hiện lâm sàng ở các cơ quan: miệng, mắt, da, hô hấp, tim mạch, tiêu hoá, thận, khớp cơ, thần kinh, tâm thần,….
Cận lâm sàng
- Nuôi cấy virus
- Tìm kháng nguyên P24
- Huyết thanh chẩn đoán HIV dương tính
- Tế bào TCD4 dưới 200/mm3
Chẩn đoán
Chẩn đoán nhiễm HIV ở người lớn và trẻ em trên 18 tháng tuổi được thực hiện
theo hướng dẫn xét nghiệm HIV quốc gia. Mẫu xét nghiệm được coi là dương tính với HIV khi có phản ứng với cả ba loại sinh phẩm có nguyên lý hoặc chuẩn bị kháng nguyên khác nhau. Các nội dung cụ thể bao gồm:
- Cung cấp thông tin trước xét nghiệm.
- Lấy mẫu làm xét nghiệm HIV khi có sự đồng ý của khách hàng.
- Quy trình thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV theo hướng dẫn quốc gia về xét nghiệm HIV.
- Tư vấn và trả kết quả và kết nối các dịch vụ sau xét nghiệm.
Biến chứng
Những tiến bộ trong điều trị HIV và thuốc kháng virus hiện nay giúp người nhiễm HIV có thể sống lâu và khỏe mạnh. Tuy nhiên, các biến chứng do HIV vẫn có thể xảy ra, đặc biệt ở những người không tuân thủ điều trị hoặc không biết mình nhiễm HIV…
HIV làm tăng nguy cơ biến chứng như thế nào?
Bản thân virus HIV lây nhiễm vào tế bào của hệ thống miễn dịch quan trọng (gọi là tế bào CD4), không gây ra nhiều triệu chứng đe dọa tính mạng. Điều khiến nó trở nên nguy hiểm là cuối cùng virus sẽ phá hủy các tế bào CD4 (còn được gọi là tế bào T, tế bào bạch cầu rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch khỏe mạnh), làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
Khi hệ thống miễn dịch suy yếu khiến cơ thể dễ bị mắc các bệnh và nhiễm trùng cơ hội chết người - một dấu hiệu của giai đoạn AIDS (giai đoạn cuối của HIV).
Nhiễm trùng cơ hội liên quan đến HIV
Những người nhiễm HIV/AIDS tuân thủ điều trị kém, có nguy cơ cao bị nhiễm nhiều loại virus và vi khuẩn khác nhau, bao gồm cả nấm và ký sinh trùng...
Những bệnh nhiễm trùng cơ hội (NTCH) này là những dạng bệnh, thường không ảnh hưởng đến những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, có khả năng chống lại chúng.
Ngày nay, nhiễm trùng cơ hội ít phổ biến hơn ở nhóm dân số này so với trước đây, do điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) hiệu quả, giúp duy trì hệ thống miễn dịch bằng cách giảm lượng HIV trong cơ thể.
Số lượng tế bào CD4 bình thường nằm trong khoảng từ 500 đến 1.200. Khi số lượng CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mỗi milimét khối máu (CD4 ≤ 200 tế bào/mm3), bệnh nhân có nguy cơ mắc nhiễm trùng cơ hội cao nhất. Một số nhiễm trùng cơ hội có thể tồn tại khi số lượng CD4 dưới 500.
Các bệnh nhiễm trùng cơ hội phổ biến nhất ở người nhiễm HIV hoặc AIDS bao gồm:
- Nhiễm trùng nấm: Nấm candida (trong trường hợp nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến thực quản, khí quản, phế quản và các mô phổi sâu hơn), nấm coccidioides (có thể dẫn đến viêm phổi), nấm cryptococcus (ảnh hưởng đầu tiên đến phổi dẫn đến viêm phổi), não (gây phù não) trước khi có khả năng lây lan sang da, xương và đường tiết niệu.
- Nhiễm virus Herpes simplex: Có thể gây phồng rộp, đau...
- Nhiễm trùng phổi do nấm, vi khuẩn...
- Bệnh lao…
Ngoài liệu pháp thuốc kháng virus (ARV), bác sĩ có thể đưa ra một số biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng cơ hội. Các biện pháp này có thể bao gồm: Dùng một số loại thuốc và chủng ngừa nhất định, tránh thực phẩm nấu chưa chín hoặc chưa tiệt trùng, nhận biết những loại vi trùng mà bệnh nhân có thể tiếp xúc và ngăn ngừa tiếp xúc với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác…
Biến chứng thần kinh liên quan đến HIV/AIDS
HIV dường như không xâm chiếm các tế bào thần kinh, nhưng nó lây nhiễm vào các tế bào thần kinh đệm (có chức năng bảo vệ và hỗ trợ các dây thần kinh).
Do tình trạng viêm liên quan đến virus gây tổn thương hệ thần kinh trung ương nên những người nhiễm HIV hoặc AIDS giai đoạn nặng, có thể gặp nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như lú lẫn, hay quên, các vấn đề về hành vi, đau đầu, suy nhược và tê ở tứ chi.
Các biến chứng về hệ thần kinh trung ương do virus hoặc do thuốc dùng để điều trị virus có thể bao gồm:
- Đau, co giật
- Bệnh zona
- Vấn đề về tủy sống
- Vấn đề phối hợp và rối loạn dáng đi
- Rối loạn nuốt
- Rối loạn lo âu
- Trầm cảm
- Sốt
- Mất thị lực
- Đột quỵ
- Hôn mê...
Nhiễm trùng cơ hội ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (CNS) bao gồm: Cryptococcus, bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển, cytomegalovirus có thể gây viêm não và treponema pallidum gây bệnh giang mai thần kinh...
Các biến chứng khác liên quan đến HIV/AIDS
Những người nhiễm HIV/AIDS cũng có thể gặp phải:
- U lympho hoặc ung thư hạch bạch huyết
- Sarcoma kaposi - một loại ung thư mạch máu do virus herpes liên quan đến sarcoma kaposi (KSHV), còn được gọi là herpesvirus 8 ở người (HHV-8)
- Ung thư cổ tử cung xâm lấn
- Bệnh thận liên quan đến HIV
- Hội chứng suy mòn do HIV (được định nghĩa là tình trạng sụt cân hơn 10% trọng lượng cơ thể một cách không chủ ý, trong khi bị tiêu chảy, suy nhược và sốt trong hơn 30 ngày).
Tác dụng phụ của thuốc điều trị HIV
Mặc dù ARV đã làm giảm các bệnh nhiễm trùng cơ hội và các tình trạng nêu trên nhưng bản thân thuốc điều trị HIV có thể gây ra các biến chứng hoặc tác dụng phụ. Những triệu chứng này khác nhau ở mỗi người và phụ thuộc vào chế độ điều trị, nhưng hầu hết các tác dụng phụ đều có thể kiểm soát được.
Theo thời gian, bệnh đái tháo đường, cholesterol cao, các vấn đề về chức năng gan - thận và chứng loãng xương… trong một số trường hợp có thể xảy ra khi sử dụng thuốc điều trị HIV.
Nhìn chung, tác dụng phụ của thuốc ARV hiện nay đã ít nghiêm trọng hơn nhiều so với trước đây. Người nhiễm HIV có nhiều lựa chọn hơn và lợi ích của việc điều trị vượt xa nguy cơ tác dụng phụ.
Điều trị
- Điều trị trực tiếp trên HIV: AZT và DDI nhằm kéo dài cuộc sống. Tháng thứ 8 trở đi kết quả kém.
- Điều trị phục hồi miễn dịch
- Điều trị sớm bằng thuốc ức chế HIV phát triển khi chưa có triệu chứng lâm sàng.
- Chăm sóc động viên hỗ trợ bệnh nhân.
Dự phòng
Phòng chống lây qua đường tình dục là ưu tiên số 1
- Giáo dục tình dục an toàn, lành mạnh.
- Khống chế nạn mại dâm
Phòng chống lây lan qua đường máu
- Kiểm tra HIV ở tất cả các mẫu máu truyền và sản phẩm của máu.
- Hiến máu tự nguyện.
Phòng chống lây lan qua tiêm chích và các dụng cụ y tế
- Ngăn chặn buôn bán ma tuý và việc dùng ống tiêm chung trong tiêm chích ma tuý.
- Vô trùng những dụng cụ y tế.
Ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhân viên y tế
- Rửa tay trước và sau khi tiếp xúc bệnh nhân. Nếu da tổn thương không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân.
- Đeo găng tay khi tiếp xúc bệnh phẩm máu hoặc dịch của cơ thể.
- Cầm kim tiêm, dao mổ....... cẩn thận để tránh tổn thương.
- Mặc quần áo, tạp dề khi làm thủ thuật, phẫu thuật và thay đổi mỗi khi dùng.
- Dùng kính bảo vệ.
- Tránh hồi sức miệng - miệng mà thay bằng các phương tiện hồi sức khác
Chăm sóc người bệnh HIV/AIDS
Nhận định
- Nhận định qua hỏi bệnh: Hỏi bệnh thật chi tiết
- Ngày thứ bao nhiêu của bệnh?
- Diễn biến các triệu chứng lâm sàng từ khi có dấu hiệu đầu tiên.
- Tình hình dịch tễ có liên quan đến bệnh nhân.
- Điều dưỡng viên cần được nhận định tỉ mỉ về đau?
+ Đau ở đâu?
+ Mở đầu như thế nào?
+ Kéo dài bao lâu?
+ Thời gian xuất hiện đau?
+ Tính chất đau?
- Quan sát
- Kiểu thở.
- Khả năng vận động.
- Sự lo lắng của người bệnh.
- Tình trạng tổn thương da, niêm mạc.
- Thể trạng: gầy, thiếu dinh dưỡng.
- Thăm khám
- Toàn thân: Tinh thần, thể trạng, da, niêm mạc, hạch.
- Kiểu thở không hiệu quả do tổn thương phổi (lao phổi, viêm phổi, viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi).
- Giảm khả năng hoạt động do yếu, mệt, thiếu máu do sốt, do khó thở, do thiếu dinh dưỡng.
- Đau: Do sưng các hạch bạch huyết, do đau đầu, do nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương….
- Dấu hiệu nhiễm trùng
- Thu thận thông tin khác
- Qua hồ sơ: thuốc đang dùng, xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh sử, tiền sử…
- Qua gia đình người bệnh: mối quan hệ gia đình, xã hội, hoàn cảnh kinh tế…
Chẩn đoán điều dưỡng
- Ỉa chảy do nhiễm khuẩn, do chế độ ăn, do tác động phụ của thuốc.
- Dinh dưỡng không đủ so với nhu cầu do ỉa chảy, do chán ăn, do tăng chuyển hóa, do viêm dạ dày, do nhiễm khuẩn.
- Tổn thương (nguy cơ tổn thương) da do thiếu dinh dưỡng, do bất động.
- Rối loạn giấc ngủ do lo lắng, do trầm cảm.
- Khó chịu (mặc cảm) về sự thay đổi ngoại hình do bệnh (tổn thương da) do hóa trị liệu, do giảm cân....
- Bệnh nhân suy sụp về tinh thần do tiên lượng xấu của bệnh.
- Nguy cơ nhiễm khuẩn do giảm miễn dịch.
- Thiếu kiến thức về tiên lượng bệnh, về điều trị và sự lan truyền bệnh....
- Bệnh nhân thiếu kiến thức về các biện pháp làm tăng cường sức khỏe (ăn nghỉ, luyện tập thỏa đáng).
Lập kế hoạch chăm sóc
Dựa vào những nhận định trên, từ đó đưa ra những kế hoạch chăm sóc để bệnh nhân:
- Cải thiện được hô hấp, thở đỡ khó khăn hơn.
- Tăng sức chịu đựng hoạt động
- Điều khiển được đau hoặc giảm đau
- Hiểu biết về sự lan truyền bệnh
- Ăn nghỉ thỏa đáng và tham gia luyện tập đều đặn để tăng cường sức khỏe
- Hiểu được bản chất và thanh thản trong giai đoạn cuối cùng của bệnh
Thực hiện kế hoạch chăm sóc
-
Chăm sóc cơ bản
- Thường xuyên theo dõi tần số thở, nhịp thở, theo dõi các tiếng ran ở phổi, theo dõi ho, tình trạng tím tái,….
- Nâng cao đầu bệnh nhân
- Khuyến khích bệnh nhân báo cáo những diễn biến triệu chứng ho, khó thở.
- Trợ giúp bệnh nhân trong hoạt động tự chăm sóc.
- Khuyến khích người bệnh tham gia thường xuyên những bài tập nhẹ nhàng.
- Khuyên người bệnh nghỉ ngơi thỏa đáng.
- Khuyên bệnh nhân ăn đủ năng lượng, đủ chất.
- Nếu thấy các dấu hiệu như:
+ Ỉa chảy: thường bệnh nhân có bệnh ngoài da quanh hậu môn, vì vậy sau mỗi lần đi ngoài cần rửa hậu môn bằng nước ấm, xà phòng, bôi thuốc.
Bồi phụ nước và điện giải
Cho ăn lỏng, ít chất thô (2h cho ăn một lần) Dùng thuốc theo y lệnh
+ Nôn:
Không ăn trong 2h đầu, sau ăn lỏng ít một. Vệ sinh răng miệng, tránh bội nhiễm
Thực hiện thuốc chống nôn trước bữa ăn 30 phút. Nếu nôn kéo dài cho uống Oresol.
+ Sốt:
Đo nhiệt độ 4h/ 1 lần
Uống resol
Chườm lạnh
Dùng thuốc theo y lệnh
+ Khó thở:
Theo dõi nhịp thở, ho, tím tái,…2h một lần Phát hiện và sử trí nguyên nhân gây khó thở
+ Rối loạn tri thức:
Theo dõi tinh thần bệnh nhân, tránh lo lắng phiền muộn cho bệnh nhân, giải đáp mọi nỗi lo âu và thường xuyên nói chuyện với bệnh nhân.
Sử dụng các biện pháp về trí nhớ như cho bệnh nhân đếm, kể về gia đình,…
+ Mệt mỏi: Khuyến khích bệnh nhân nghỉ ngơi xen kẽ hoạt động, giúp bệnh nhân vệ sinh, vận động, ăn uống,…
+ Tổn thương ngoài da, niêm mạc:
Thay đổi tư thế cho bệnh nhân 2h một lần
Rửa và lau khô da hàng ngày
Để hở thương tổn
Vệ sinh răng miệng 3 lần một ngày
+ An ủi bệnh nhân về việc chuẩn bị cho tương lai, như việc chăm sóc những đứa con của họ khi họ qua đời,…
+ Khi bệnh nhân tử vong: thực hiện việc chôn cất như bình thường. Lưu ý quan tài phải lót bên trong bằng nilon kín, không để dịch chảy ra ngoài.
-
Thực hiện các y lệnh
- Thực hiện các loại thuốc cải thiện hô hấp.
- Thực hiện cho thở oxy và theo dõi các tác dụng phụ của thuốc.
- Thực hiện y lệnh thuốc chống nhiễm khuẩn.
- Thực hiện y lệnh thuốc giảm đau.
-
Theo dõi và đề phòng biến chứng
- Đánh giá theo dõi tác dụng của thuốc giảm đau và các tác dụng phụ của thuốc vì những bệnh nhân AIDS thường đau cho đến lúc chết.
-
Giáo dục sức khỏe
- Hướng dẫn bệnh nhân giảm đau như: massage, thư giãn, giải trí,….
- Chăm sóc bệnh nhân AIDS bao gồm cả chiến lược giáo dục mà mục tiêu là làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh, điều dưỡng viên phải giáo dục cho bệnh nhân về dinh dưỡng và nghỉ thỏa đáng . Thường xuyên theo dõi cân nặng, thuyết phục bệnh nhân từ bỏ thuốc lá, hướng dẫn bệnh nhân tránh các stress và hướng dẫn bệnh nhân tự phát hiện các biểu hiện sớm của bệnh. Giải thích về bản chất và kết cục của bệnh cho bệnh nhân
Lượng giá quá trình chăm sóc
- Cải thiện được hô hấp, thở đỡ khó khăn hơn?
- Tăng sức chịu đựng hoạt động?
- Giảm đau?
- Có hiểu biết về sự lan truyền bệnh?
- Ăn nghỉ thỏa đáng và tham gia luyện tập đều đặn?
- Hiểu được bản chất và thanh thản trong giai đoạn cuối của bệnh?
Tài liệu tham khảo
- https://bvquan5.medinet.gov.vn/hivaids/nhung-bien-chung-nao-co-the-xay-ra-voi-hiv-c16896-115175.aspx
- https://storage-vnportal.vnpt.vn/nbh-ubnd/sitefolders/cdyte/giao-trinh-noi-bo/ky-4.-cssk-benh-truyen-nhiem_157t.pdf
- https://dieuduong.bluecare.vn/2021/09/11/ke-hoach-cham-soc-nguoi-benh-nhiem-hiv-aids-tai-cong-dong/
- Quyết định số 5986/QĐ-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS