-
Đại cương
1.1. Định nghĩa:
Viêm màng não mủ là một hiện tượng viêm của màng não với sự gia tăng bạch cầu đa nhân trung tính trong dịch não tủy, do các vi khuẩn sinh mủ xâm nhập vào màng não tủy. Ảnh hưởng đến màng nhện, màng nuôi và tổ chức não.
Bệnh cần được chẩn đoán và xử trí sớm đế hạn chế tử vong, biến chứng và di chứng.
1.2. Dịch tễ:
Viêm màng não mủ do não mô cầu (Neisseria meningitides) hay phát sinh thành dịch ở các nơi sinh hoạt tập thể (nhà trẻ, trường học...), truyền theo đường hô hấp trên (viêm họng). Những người bệnh chấn thương sọ não, viêm nội tâm mạc, viêm tắc tĩnh mạch... thường bị nhiễm tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus).
Trẻ sơ sinh thường nhiễm vi khuẩn trong âm đạo mẹ (E.coli) khi vỡ ối sớm. Viêm màng não mủ do phế cầu (Streptococus pneumonicae) thường theo sau một nhiễm khuẩn tai mũi họng.
1.3. Bệnh sinh:
Đầu tiên, vi khuẩn từ ổ viêm xâm nhập vào máu, lên màng não, lan toả và gây viêm màng nhện, màng nuôi, từ đó gây tổn thương cho não ở lân cận.
-
Nguyên nhân
Ở trẻ sơ sinh thường là nhóm vi khuẩn liên cầu (Strepíococus) và Escherichia coli (từ âm đạo người mẹ).
Ở trẻ 3 tháng đến 5 tuổi: Haemophilus influenzae nhóm B, phế cầu.
Ở trẻ 5 đến 15 tuổi hoặc người lớn: Não mô cầu (Neisseria meningtidis) và phế cầu (Streptoctìcus pneumonicae), tụ cầu (Staphylcoccus) là thường gặp nhất.
-
Triệu chứng
Bệnh cảnh rất đa dạng, tùy theo lứa tuổi, cơ địa và tác nhân gây bệnh.
3.1. Đối với Người lớn: Triệu chứng tương đối điển hình
+ Hội chứng nhiễm khuẩn:
- Sốt cao đôi khi rét run.
- Viêm đường hô hấp trên: Viêm tai mũi họng (xảy ra vài tháng trước đó)
+ Hội chứng màng não:
- Nhức đầu dữ dội và không giảm khi uống thuốc giảm đau.
- Buồn nôn, nôn mửa kiểu nôn vọt
- Vài trường hợp có thể táo bón.
- Khám: Cứng gáy (+), dấu Kerniq (+), Dấu Bnidziski (+), đôi khi có tăng phản xạ gân xương.
+ Các triệu chứng toàn thân:
- Co giật ( khoảng 1/3 trường hợp)
- Rối loạn tri giác: Lú lẫn, ngủ gà ngủ gật, hôn mê.
- Sợ ánh sáng.
- Có những biểu hiện tăng áp lực nội sọ: Mạch chậm, huyết áp tăng, thở nhanh, phù gai thị.
- Có dấu hiệu thần kinh khu trú: Liệt nửa người, liệt mặt, lác...
- Tử ban dạng bản đồ có hoại tử trung tâm da, xuất huyết.
3.2. Đối với trẻ em:
Ở sơ sinh và trẻ nhũ nhi các dấu hiệu kích thích ít nên khó chẩn đoán, thường kèm theo hội chứng nhiễm khuẩn:
Bỏ bú, vàng da
Hội chứng màng não:
- Thóp phồng (1/3 các trường hợp)
- Bức rứt, lặn lộn, bỏ ăn , bỏ bú.
- Cổ cứng, co giật (40% trường hợp là co giật toàn thân)
- Không tìm thấy dấu Kernig và dấu Brudzinski
-
Cận lâm sàng
4.1. Dịch não tủy:
- Thường đục.
- Áp lực tăng nhẹ.
- Tế bào 100 - l.000/mm3, hơn 80% là bạch cầu đa nhân trung tính.
- Đường giảm, dưới 40mg%.
- Đạm tăng, khoảng 100mg%.
- Cấy dịch não tủy cho phép phân lập vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ.
4.2. Các xét nghiệm hỗ trợ khác
- Tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
- Cấy máu có thể dương tính trong một số trường hợp.
- Cấy tìm vi khuẩn từ mủ tai, cổ họng, mủ da...
4.3. Chẩn đoán hình ảnh:
X-quang có thể cho phép phát hiện ổ nhiễm nguyên phát ở ngực, xoang xương chũm...
-
Chẩn đoán
+ Để chẩn đoán viêm màng não mủ cần dựa trên các biểu hiện lâm sàng kết hợp kết quả xét nghiệm dịch não tủy.
- Biểu hiện lâm sàng: Viêm màng não mủ có diễn tiến cấp tính với các triệu chứng như sốt, thường sốt cao đột ngột, trẻ li bì, mệt mỏi, bỏ ăn và da tái xanh. Xuất hiện hội chứng màng não với các dấu hiệu cơ bản như nôn, buồn nôn, đau đầu, táo bón có thể có biểu hiện sợ ánh sáng và nằm ở tư thế cò súng. Các dấu hiệu thực thể như gáy cứng, hoặc cổ mềm ở trẻ nhỏ, dấu hiệu Kernig, Brudzinsky, thóp phồng, căng, li bì, mắt nhìn vô cảm.
- Một số biểu hiện khác như co giật, liệt khu trú, shock nhiễm khuẩn hay rối loạn tri giác, trẻ rơi vào hôn mê. Đối với trẻ sơ sinh, viêm màng não mủ thường xảy ra với trẻ sinh non, bị nhiễm trùng ối hoặc ngạt sau đẻ. Với trẻ sơ sinh, các biểu hiện nhiễm trùng không rõ rệt, trẻ có thể không sốt, nhiều trẻ còn hạ thân nhiệt, trẻ thường bỏ bú, tiêu chảy, mất phản xạ sinh lý và giảm trương cơ lực.
+ Xét nghiệm xác định chẩn đoán viêm màng não mủ:
- Xét nghiệm dịch não tủy: Đây là xét nghiệm quan trọng mang tính chất quyết định để chẩn đoán viêm màng não mủ. Xét nghiệm này cần được tiến hành ngay khi thăm khám lâm sàng có những biểu hiện nghi ngờ bệnh. Nếu dịch não tủy có màu lờ đục hoặc màu trong như nước vo gạo cần phải điều trị ngay.
- Công thức máu: Nếu công thức máu cho thấy bạch cầu tăng cao, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính chiếm ưu thế và ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có giảm nồng độ huyết sắc tố.
- Cấy máu và dịch tỵ hầu việc cấy máu và mẫu bệnh phẩm có thể xác định được vi khuẩn gây ra bệnh.
- Bên cạnh đó, có một số phương pháp như siêu âm qua thóp hay chụp CT sọ não có thể xác định được các biến chứng viêm màng não có thể gặp. Ngoài ra một số xét nghiệm DNT có thể chẩn đoán phân biệt trong một số trường hợp viêm màng não mủ không điển hình.
-
Biến chứng
Viêm màng não mủ là bệnh nhiễm trùng sinh mủ nặng, có tỷ lệ tử vong cao. Sau điều trị, người bệnh có thể gặp phải nhiều di chứng sức khỏe vĩnh viễn không thể khắc phục. Điển hình là những biến chứng viêm màng não mủ sau:
6.1. Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
- Thời gian điều trị viêm màng não mủ thường kéo dài, hệ miễn dịch cũng cần hoạt động liên tục chống lại nhiễm trùng nên người bệnh thường mệt mỏi sau điều trị. Không chỉ mệt mỏi, người bệnh đối mặt với các dấu hiệu suy nhược như: rối loạn giấc ngủ, sụt cân, chán ăn, tinh thần bất ổn, dễ nổi cáu,…
- Vấn đề này thường không kéo dài, có thể cải thiện bằng cách xây dựng chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng tốt. Ngoài ra, người bệnh cũng cần thiết lập đồng hồ sinh học khoa học bằng cách ngủ và thức dậy đúng giờ, ăn đủ – đúng bữa, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử,…
6.2. Di chứng lâu dài
- Sau điều trị, người bệnh viêm màng não mủ dễ mắc phải nhiều di chứng vĩnh viễn như: Các vấn đề về thị giác, thính giác, trí nhớ, khó khăn trong kiểm soát hành vi và cảm xúc, hành vi và vận động. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể đối mặt với những biến chứng sau tổn thương xương, nhiễm trùng máu hoặc tổn thương mô tế bào.
- Đáng lo ngại, những di chứng trên có thể chưa thấy rõ ngay sau khi điều trị, nhiều bệnh nhân xuất viện khỏe mạnh và không gặp phải bất cứ vấn đề nào kể trên. Tuy nhiên sau một thời gian, di chứng xuất hiện ở mức độ khác nhau với mỗi người.
- Do đó, người bệnh sau điều trị viêm màng não mủ cần ghi nhớ lịch tái khám đầy đủ và định kỳ. Nếu gặp phải biến chứng, bác sĩ sẽ có thể lên kế hoạch hồi phục nhanh chóng.
-
Điều trị
Điều trị viêm màng não
- Viêm màng não mủ là bệnh lý nhiễm trùng nặng, gây ra di chứng nặng nề khó hồi phục, người bệnh cần phải nhập viện điều trị cấp cứu ngay lập tức. Nhất là trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu nếu tiếp cận điều trị chậm trễ, nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh là rất cao như: co giật, mù lòa, điếc, yếu liệt tay chân, kém nhận thức,…
- Ngược lại, nếu phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị viêm màng não mủ tích cực, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, thời điểm phát hiện bệnh và điều trị cũng ảnh hưởng đến thời gian chữa trị trong bao lâu.
- Điều trị viêm màng não mủ gồm có 2 hai phần chính: điều trị đặc hiệu và điều trị nâng đỡ.
+ Điều trị đặc hiệu
- Sử dụng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Quá trình điều trị có thể kéo dài từ 10 ngày – 3 tuần tùy theo tác nhân gây bệnh.
+ Điều trị nâng đỡ
- Bảo đảm thông khí: tư thế phù hợp, hút đờm dãi, cung cấp đủ oxy
- Hạ sốt: cởi bớt quần áo, lau mát, sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol, thuốc an thần (nếu có sốt co giật)
- Chống phù não
- Cân bằng nước – điện giải
- Đảm bảo dinh dưỡng, đề phòng và chống loét tì đè do nằm lâu, tập vật lý trị liệu
- Một số trường hợp viêm màng não mủ xuất hiện biến chứng nặng như áp xe não cần được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
-
Chăm sóc điều dưỡng
Căn cứ vào diễn biến bệnh viêm màng não mủ của từng bệnh nhân, điều dưỡng sẽ ưu tiên các phương án chăm sóc, đặc biệt khi bệnh nhân bị sốc hoặc suy hô hấp nặng.
- Xử lý các triệu chứng khi bệnh nhân viêm màng não mủ co giật, la hét
- Giảm sốt ở bệnh nhân viêm màng não mủ
- Đảm bảo thông khí đối với bệnh nhân viêm màng não mủ
- Đảm bảo lưu thông máu cho bệnh nhân viêm màng não mủ
- Đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân cho người bệnh viêm màng não mủ
-
Tư vấn giáo dục sức khỏe
9.1. Chăm sóc cơ bản
- Tinh thần: luôn bên cạnh, động viên, an ủi bệnh nhân an tâm điều trị
- Vệ sinh: vệ sinh răng miệng, thân thể sạch sẽ; đối với những bệnh nhân hôn mê, liệt phải chú ý vệ sinh phòng chống lóet do tì đè
- Vận động - Phục hồi chức năng: bệnh nhân bị yếu, liệt cần phối hợp với nhân viên phục hồi chức năng tập và hỗ trợ cho người bệnh
- Chế độ dinh dưỡng:
- Cho bệnh nhân viêm màng não ăn thức ăn nhẹ dễ tiêu hóa, ăn thành nhiều bữa nhỏ và thường xuyên, đảm bảo đủ calo, dinh dưỡng và thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh.
- Dinh dưỡng qua ống mũi dạ dày cho bệnh nhân hưng phấn, vật vã, hôn mê: cho súp, sữa, nước trái cây.
- Yêu cầu bệnh nhân uống nhiều nước.
9.2. Phòng bệnh
Các chuyên gia y tế cho biết, các vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ hầu như đều xuất hiện trong không khí và có nguy cơ xâm nhập vào đường hô hấp. Do vậy, để chủ động bảo vệ cơ thể khỏe mạnh, giúp phòng tránh bệnh viêm màng não mủ nói riêng và các bệnh lý khác trẻ em và người lớn cần chủ động dự phòng bằng các biện pháp dưới đây:
- Luôn mang khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh tiếp xúc với mầm bệnh, nhất là lúc tiếp xúc với người có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc các loại dung dịch sát khuẩn. Vệ sinh nhà ở, khu vực làm việc, các vật dụng sinh hoạt thường dùng,… sạch sẽ, thoáng mát, để đảm bảo sạch sẽ và an toàn cho chính mình và người thân.
- Duy trì thói quen ăn chín uống sôi và luôn luôn tránh xa các thực phẩm tái, sống như tiết canh, nem, gỏi hải sản sống,… để phòng ngừa các yếu tố lây nhiễm.
- Phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh nhiễm trùng tai – mũi – họng ở trẻ nhỏ, người lớn.
- Vệ sinh tai – mũi – họng hằng ngày.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng – vận động – nghỉ ngơi khoa học để nâng cao thể trạng, vừa duy trì được một sức khỏe tốt, vừa tạo một lớp bảo vệ ngay từ bên trong để phòng tránh hiệu quả các tác nhân.
- Thăm khám định kỳ: Duy trì việc kiểm tra sức khỏe đều đặn, thường xuyên khoảng 6 tháng/lần vô cùng quan trọng, nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo và điều trị bệnh kịp thời nếu có.
- Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin viêm màng não mủ. Hiện nay ở Việt Nam đã có vắc xin viêm màng não mủ do não mô cầu khuẩn, phế cầu khuẩn và vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp b.
- Tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch là biện pháp hữu hiệu, chặn đứng nguy cơ mắc viêm màng não mủ
- Các loại vắc xin viêm màng não mủ được các chuyên gia khuyến cáo cần tiêm ngay lúc này gồm:
- Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp)/Infanrix Hexa (Bỉ) phòng 6 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi & viêm màng não do vi khuẩn Hib hoặc vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp)/ Infanrix IPV+Hib (Bỉ) phòng 5 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm phổi & viêm màng não do vi khuẩn Hib.
- Vắc xin Prevenar 13 – Phế cầu 13 (Bỉ)/ Vắc xin Synflorix (Bỉ): phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết (nhiễm trùng máu),… do phế cầu khuẩn.
- Vắc xin Menactra (Mỹ) phòng viêm màng não do não mô cầu khuẩn tuýp A,C,Y,W-135. Vắc xin VA-Mengoc-BC (Cu Ba) phòng viêm màng não do não mô cầu khuẩn tuýp B,C.
- Vắc xin Quimi-Hib (Cu Ba) phòng viêm phổi, viêm màng não,… do vi khuẩn Hib.
- Viêm màng não mủ là căn bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân hoặc gây ra những biến chứng nguy hiểm, di chứng vĩnh viễn. Tất cả người dân, đặc biệt trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch suy yếu,… cần chủ động tiêm vắc xin để đẩy lùi nguy cơ nhiễm bệnh.