BỆNH UỐN VÁN, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH
1. Đại cương
1.1. Định nghĩa:
Uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván gây ra. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương dưới dạng nha bào, phát triển tại vết thương trong điều kiện thiếu khí. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố lan truyền trong cơ thể theo đường thần kinh, đường máu gây co cứng co giật.
1.2. Môi trường tồn tại và đường lây:
Nha bào uốn ván thường sống trong đất, cát, bụi, phân gia súc, gia cầm. Xâm nhập vào cơ qua vết thương như:
- Dặm phải đinh, sắt rỉ, gai;
- Vết trầy xước, rách da;
- Hoặc các vết thương to, rộng nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, tai nạn, bỏng;
- Có thể gặp sau đẻ có sót nhau, nạo thai, cắt rốn với dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn.
1.3. Nguy cơ mắc:
Những người làm việc ở các nông trai gia súc, gia cầm, những nơi có điều kiện vệ sinh kém, những người không tiêm phòng uốn ván khi bị thương.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân trực tiếp gây uốn ván là sự xâm nhập của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani thông qua các vết thương, vết trầy xước… Trực khuẩn này thường có trong đất cát, phân gia cầm, phân trâu bò, dụng cụ phẫu thuật không được khử khuẩn kỹ… Chúng xâm nhập vào các vết thương, phát triển thành ổ nhiễm trùng và gây nên bệnh uốn ván rất nguy hiểm.
3. Triệu chứng
Thời kỳ ủ bệnh từ 2 đến 50 ngày (trung bình từ 5 đến 10 ngày).
Các triệu chứng của uốn ván bao gồm
- Cứng hàm (thường gặp nhất)
- Khó nuốt
- Bồn chồn
- Cáu gắt
- Cứng cổ, cứng tay, hoặc chân
- Lưng uốn cong (uốn người ra sau)
- Đau đầu
- Đau họng
- Độc tính co thắt
- Sau đó, bệnh nhân gặp khó khăn khi mở hàm (trismus).
4. Cận lâm sàng
Việc chẩn đoán bệnh uốn ván chủ yếu dựa vào quá trình diễn biến bệnh và khám các triệu chứng thực thể. Các xét nghiệm chủ yếu để phục vụ cho việc điều trị và theo dõi diễn biến của bệnh như: xét nghiệm công thức máu toàn bộ, xét nghiệm protein C phản ứng (CRP), Procalcitonin (PCT) hoặc lấy mẫu bệnh phẩm từ vết thương để cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ...
Không giống như những bệnh nhiễm khuẩn khác, biểu hiện của bệnh uốn ván thường đặc trưng, dễ nhận biết và việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng, tiền sử bệnh với các yếu tố nguy cơ gợi ý như: tổn thương với các vật kim loại rỉ sét (như đinh, sắt...), vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, cát bụi, phân người hoặc súc vật, vết bỏng, vết thương dập nát hoặc do tiêm chích, cắt rốn với dụng cụ không vô khuẩn....
Ở một số cơ sở y tế có điều kiện thì xét nghiệm chẩn đoán uốn ván chính là định lượng kháng thể kháng độc tố uốn ván trong huyết thanh, kết quả dương tính khi có trên 0.01 đơn vị/dl thì nghĩ đến bệnh uốn ván.
Các xét nghiệm khác có vai trò hỗ trợ như:
- Công thức máu ngoại vi với biểu hiện bạch cầu tăng cao khi có sự nhiễm trùng.
- CRP hay PCT tăng cao gợi ý phản ứng viêm của cơ thể do vi khuẩn uốn ván xâm nhập hoặc bội nhiễm vi khuẩn khác.
5. Chẩn đoán
Đánh giá lâm sàng
Uốn ván nên được cân nhắc khi bệnh nhân có co cứng cơ đột ngột không rõ nguyên nhân hoặc co thắt, đặc biệt nếu họ có tiền sử vết thương gần đây hoặc có các yếu tố nguy cơ của uốn ván.
Uốn ván có thể bị nhầm với bệnh viêm não màng não do căn nguyên vi khuẩn hoặc virut, những kết hợp sau đây gợi ý uốn ván:
- Cảm giác không thay đổi
- Dịch não tủy bình thường
- Co cơ
Khít hàm phải được phân biệt với áp xe quanh amydan hoăc áp xe sau họng hoặc bất kì nguyên nhân khu trú nào khác. Phenothiazines có thể gây ra tình trạng co cứng giống như uốn ván (ví dụ, phản ứng dystonic, hội chứng an thần kinh ác tính).
C.tetani đôi khi có thể được nuôi cấy từ vết thương, nhưng nuôi cấy thường không nhạy; chỉ có 30% bệnh nhân uốn ván có kết quả cấy dương tính. Ngoài ra, nuôi cấy dương tính giả có thể xảy ra ở những bệnh nhân không bị uốn ván.
6. Biến chứng
Biến chứng uốn ván thường gặp
Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ gặp những biến chứng uốn ván nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng, bao gồm:
6.1. Suy hô hấp
Suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất, đây là một trong những biến chứng uốn ván có thể xảy ra do dây thanh quản bị thắt chặt và cứng cơ ở cổ và bụng, đặc biệt là khi co thắt toàn thân.
6.2. Co thắt và cứng cơ do uốn ván
Co thắt và cứng cơ nghiêm trọng do uốn ván có thể cản trở hoặc làm người bệnh ngừng thở.
6.3. Biến chứng tim mạch
Một số biến chứng tim mạch bệnh nhân có thể gặp là hạ huyết áp và chậm nhịp tim, đôi khi xuất hiện ngừng tim đột ngột.
6.4. Rối loạn thần kinh thực vật
Người bệnh có thể gặp biến chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật như huyết áp tăng thất thường, hoặc thường xuyên; tăng nhịp tim, loạn nhịp tim, sốt cao, vã mồ hôi và nhịp thở phản xạ quá mức,…
6.5. Huyết khối tắc mạch và rạn da
Cục máu đông di chuyển từ nơi khác trong cơ thể có thể chặn động mạch chính của phổi hoặc một trong các nhánh của nó gây ra tắc nghẽn động mạch phổi (thuyên tắc phổi).
6.6. Biến chứng xương khớp
Thông thường co thắt hoặc co giật toàn thân có thể gây gãy xương cột sống hoặc các xương khác, rách cơ cực kỳ cao.
6.7. Viêm phổi
Nhiễm trùng hô hấp do vô tình hít phải thứ gì đó vào phổi (viêm phổi do hít phải) có thể là một biến chứng của chứng co thắt toàn thân.
6.8. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng mà bệnh nhân mắc phải khi đến bệnh viện (hay còn gọi là nhiễm trùng bệnh viện) do nằm viện kéo dài cũng là một trong những biến chứng uốn ván có thể gặp phải. Nhiễm trùng thứ cấp có thể bao gồm nhiễm trùng huyết do đặt ống thông tiểu, loét do tư thế nằm.
6.9. Suy thận
Tình trạng co thắt cơ nghiêm trọng từ đó dẫn đến sự phá hủy cơ xương khiến protein bị rò rỉ vào nước tiểu chính là biến chứng uốn ván suy thận (suy thận cấp).
7. Điều trị
- Trước khi điều trị uốn ván, cần làm sạch các vết thương để ngăn ngừa nhiễm trùng. Vết thương phải được cắt lọc các tổ chức bị nhiễm bẩn hoặc hoại tử và phải duy trì tình trạng thoáng khí của vết thương.
- Miễn dịch uốn ván (TIG) được tiêm càng sớm càng tốt, ngay cả khi đã được tiêm phòng vắc xin uốn ván trước đây. Tiêm bắp TIG với liều từ 3000 - 6000 IU. Nếu không có TIG, có thể thay thế bằng tiêm tĩnh mạch một liều SAT. Tuy nhiên liệu pháp này chỉ có tác dụng ngắn và không thể thay thế các phương pháp khác. Phương pháp này có thể an toàn đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
- Các bác sĩ có thể chỉ định các nhóm kháng sinh penicillin hoặc metronidazole từ 7-14 ngày với liều cao, những kháng sinh này ngăn chặn vi khuẩn độc hại gây co thắt cơ và cứng khớp. Bệnh nhân bị dị ứng với penicillin hoặc metronidazole có thể thay thế bằng tetracycline.
- Có thể sử dụng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ kết hợp với mở khí quản hoặc đặt ống nội khí quản, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy để cấp cứu bệnh nhân. Đồng thời với điều trị, phải gây miễn dịch chủ động bằng vắc xin uốn ván cho bệnh nhân.
8. Chăm sóc điều dưỡng
- Phòng điều trị uốn ván cần được giữ yên tĩnh, ánh sáng dịu.
- Nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch và qua sonde dạ dày đảm bảo năng lượng và đủ chất, cho ăn qua sonde dạ dày phải nhỏ giọt tránh trào ngược khi co giật.
- Theo dõi cơn co giật: Cường độ và khoảng cách, tính chất của các cơn co giật để có biện pháp khống chế cơn giật hiệu quả, đặc biệt là những cơn co giật có tím tái, ngưng thở cần được mở khí quản để đảm bảo thông khí. Hạn chế các yếu tố gây co giật.
- Theo dõi hô hấp: Theo dõi tình trạng tăng tiết, tím môi và đầu chi, hút đờm dãi, thở oxy, đảm bảo thông khí, phòng ngừa suy hô hấp và bội nhiễm. Theo dõi tình trạng co thắt thanh quản, mở khí quản kịp thời tránh để ngưng thở và tử vong. Chăm sóc vệ sinh canyn mở khí quản tránh để tắc nghẽn, nhiễm khuẩn …
- Theo dõi tuần hoàn: Theo dõi mạch, huyết áp phát hiện kịp thời tình trạng trụy tuần hoàn, ngưng tim
- Theo dõi nhiệt độ, lượng nước tiểu, tri giác …
- Thực hiện y lệnh đầy đủ, chính xác và kịp thời.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, khô ráo, nằm đệm nước... để chống loét.
9. Tư vấn giáo dục sức khỏe
9.1. Chăm sóc cơ bản
- Tinh thần: luôn bên cạnh, động viên, an ủi bệnh nhân an tâm điều trị
- Vệ sinh: vệ sinh vết thương, cắt lọc hoại tử (nếu có); vệ sinh răng miệng, thân thể sạch sẽ; đối với những bệnh nhân hôn mê, liệt phải chú ý vệ sinh phòng chống lóet do tì đè
- Vận động-Phục hồi chức năng: bệnh nhân co giật cần cố định chắc chắn vào giương bệnh, phòng chống té ngã cho bệnh nhân.
- Chế độ dinh dưỡng: Nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch và qua sonde dạ dày đảm bảo năng lượng và đủ chất, cho ăn qua sonde dạ dày phải nhỏ giọt tránh trào ngược khi co giật.
9.2. Phòng bệnh
9.2.1. Biện pháp dự phòng
- Trong công tác tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh uốn ván và UVSS, về sự nguy hiểm của các vết thương do đâm chọc và những vết thương kín và sự cần thiết phải tiêm chủng chủ động hoặc tiêm chủng thụ động sau khi bị thương, về sự cần thiết phải thực hiện đẻ sạch, vô khuẩn sản khoa.
- Tiêm vắc xin uốn ván (TT) để chủ động phòng uốn ván cho mẹ và UVSS cho con vì miễn dịch của người mẹ do vắc xin có giá trị phòng được UVSS cho con.
- Gây miễn dịch rộng rãi cho mọi người bằng TT, nhất là cho các đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh uốn ván, kể cả những người sau khi khỏi bệnh uốn ván.
- Trẻ em từ 2 đến 24 tháng tuổi thường được tiêm vắc xin phối hợp 5in1 hoặc 6in1: bạch hầu - ho gà - uốn ván – bại liệt – viêm gan B – viêm màng não mủ.
- Trẻ từ 4 - 6 tuổi tiêm nhắc lại 1 mũi 4in1: : bạch hầu - ho gà - uốn ván – bại liệt.
- Trẻ từ 7-11 tuổi tiêm nhắc lại 1 mũi 4in1: : bạch hầu - ho gà - uốn ván – bại liệt.
- Từ 11 tuổi trở lên (đã tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trước đây) cứ 10 năm tiêm nhắc một mũi TD (bạch hầu, uốn ván) hoặc tiêm TT cho người lớn kể cả phụ nữ có thai (PNCT).
- Lịch tiêm TT để phòng bệnh UVSS:
+ Gây miễn dịch cơ bản cho PNCT bằng 2 liều TT cách nhau tối thiểu 1 tháng. Liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh 1 tháng. Những lần có thai sau cần tiêm nhắc lại 1 liều TT trước khi sinh 1 tháng.
+ Tiêm cho phụ nữ 15 - 35 tuổi tại các địa phương có nguy cơ cao: Tối thiểu 3 liều, liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.
- Với mục đích phòng bệnh cho người lớn nói chung: Tối thiểu 3 liều TT với khoảng cách mỗi liều giống như tiêm cho phụ nữ 15 - 35 tuổi.
- Để duy trì khả năng miễn dịch bảo vệ bệnh uốn ván cần tiêm nhắc lại TT cứ 10 năm 1 lần.
- Đối với trẻ em và người lớn bị mắc bệnh suy giảm miễn dịch hoặc bị nhiễm HIV thì vẫn chỉ định tiêm TT với liều lượng như người bình thường. Tuy nhiên, sự đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm có thể không được đầy đủ.
- Đối với người bị thương có nguy cơ mắc bệnh uốn ván thì cần xử lý như sau:
+ Trường hợp người bị thương đã được tiêm TT đầy đủ: (1) Đối với vết thương nhẹ, không bị nhiễm bẩn và liều TT cuối cùng cách lúc đó > 10 năm thì phải tiêm nhắc lại 1 liều TT; (2) Đối với vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn và trong vòng 5 năm trước đó chưa được tiêm TT thì phải tiêm nhắc lại 1 liều TT ngay trong ngày bị thương.
+ Trường hợp người bị thương chưa được gây miễn dịch cơ bản đầy đủ bằng TT thì phải được tiêm 1 liều TT ngay càng sớm càng tốt sau lúc bị thương. Nếu vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn thì cần tiêm thêm SAT.
+ Trường hợp người bị thương chưa được gây miễn dịch cơ bản, chưa được tiêm đủ 3 liều TT hoặc không rõ tiền sử tiêm TT và có vết thương nặng hoặc bị nhiễm bẩn thì phải chỉ định tiêm TIG với liều thấp nhất là 250 IU (hoặc SAT với liều 1500-5000 IU). Có thể tiêm TT, tiêm TIG hoặc SAT cùng một lúc, nhưng phải dùng bơm kim tiêm riêng và tiêm ở vị trí khác nhau.
9.2.2. Biện pháp chống dịch: Khi 1 ca UVSS xảy ra cần phải thực hiện các biện pháp chống dịch ngay:
- Tiêm vắc xin phòng uốn ván cho tất cả phụ nữ có thai trong xã kể cả người mẹ của đứa trẻ.
- Tiêm vắc xin phòng uốn ván cho nữ tuổi sinh đẻ (15 - 35 tuổi), tối thiểu là trong thôn/bản hoặc toàn xã nếu thuộc nơi nguy cơ cao.
- Trao đổi với người đỡ đẻ về vấn đề đẻ sạch.
- Tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng về phòng bệnh UVSS
- Không cần phải cách ly bệnh nhân, xử lý môi trường, xử lý người tiếp xúc.
9.2.3. Kiểm dịch y tế biên giới : Nên tiêm phòng uốn ván cho những người du lịch quốc tế.
Câu hỏi thảo luận
- Nguyên nhân gây bệnh uốn ván là gì?
- Triệu chứng nhận biết bệnh uốn ván?
- Cách phòng bệnh uốn ván? Ai cần tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván? Khi bị vết thuwong cần làm gì để phòng bệnh uốn ván?
Tài liệu tham khảo
- https://vncdc.gov.vn/benh-uon-van-nd14517.html
- https://hongngochospital.vn/vi/benh-uon-van
- https://www.msdmanuals.com/vi-vn/professional/b%E1%BB%87nh truy%E1%BB%81n-nhi%E1%BB%85m/vi-khu%E1%BA%A9n-k%E1%BB%B5-kh%C3%AD/u%E1%BB%91n-v%C3%A1n#Tri%E1%BB%87u-ch%E1%BB%A9ng-v%C3%A0-D%E1%BA%A5u-hi%E1%BB%87u_v1010214_vi
- https://bvdkquangnam.vn/index.php/tin-tc/y-hc-thng-thc/1717-bnh-un-van-va-cong-tac-iu-dng
- https://medlatec.vn/tu-dien-benh-ly/benh-uon-van-sgcgz